Việc hỗ trợ phát triển các ngành nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống vùng nông thôn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang được UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
Theo đó, thứ nhất, tập trung bảo tồn và phát triển các ngành nghề nông thôn, ngành nghề nông thôn truyền thống như nghề sản xuất bánh tráng, nghề đan lát, nghề sản xuất mành trúc, nghề se nhang, nghề sản xuất muối, nghề trồng mai vàng và nghề chế biến khô thủy sản. Thứ hai, Tập trung bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống như Làng nghề sản xuất bánh tráng xã Phú Hòa Đông, làng nghề đan lát xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi), làng nghề se nhang xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), làng nghề sản xuất muối xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ), làng nghề trồng mai vàng xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (làng nghề mới). Các nội dung được hỗ trợ như sau:
1. Đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất phục vụ phát triển sản xuất như đường giao thông, điện, nước sạch, hệ thống tưới tiêu, thoát nước (lồng ghép trong chương trình xây dựng nông thôn mới), tạo điều kiện thuận lợi về giao đất có thu tiền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với cơ sở ngành nghề nông thôn đề xuất dự án đầu tư có hiệu quả.
2. Tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề nông thôn tiếp cận các gói ưu đãi qua Chương trình kết nối các ngân hàng với các doanh nghiệp của Thành phố tổ chức; tiếp cận các khoản ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
3. Triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025, trong đó hỗ trợ cho cơ sở ngành nghề nông thôn là các Hợp tác xã, tổ hợp tác.
4. Hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất theo Quy định tại Điều 10 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
5. Hỗ trợ đào tạo nhân lực: Đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho người làm nghề truyền thống, người làm nghề tại làng nghề, làng nghề truyền thống và người làm việc tại các cơ sở ngành nghề nông thôn.
6. Các cơ sở ngành nghề nông thôn được hưởng các cơ chế, chính sách theo Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 -2025.
7. Hỗ trợ bảo vệ môi trường như lập và triển khai phương án bảo vệ môi trường của làng nghề, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, vận động cơ sở ngành nghề nông thôn phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường.
8. Hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với hoạt động du lịch như xây dựng các tour du lịch làng nghề, xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề, làng nghề kết hợp du lịch- giáo dục trải nghiệm, du lịch cộng đồng.
9. Hỗ trợ xúc tiến thương mại như xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ thông tin tham gia triển lãm, hội chợ để giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường.
10. Hỗ trợ về khuyến công (nếu các cơ sở ngành nghề liên quan đến lĩnh vực khuyến công).
Theo Trúc Minh
- "Tạo ra một sản phẩm thì dễ, thị trường hóa sản phẩm đó mới khó" (23.09.2023)
- Thành phố Hồ Chí Minh đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp (09.09.2023)
- HTX nông nghiệp TP.HCM đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất (09.09.2023)
- Bà con huyện đảo Cần Giờ vào các Hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao thu nhập (15.04.2023)
- Sự cần thiết xây dựng và phát triển HTX (15.04.2023)
- Hợp tác xã tạo việc làm cho người dân, giúp nông dân tăng thu nhập và an tâm sản xuất. (15.04.2023)
- TP.HCM tăng tốc phát triển sản phẩm OCOP (11.03.2023)
- Năm 2023 sẽ có thêm 1.600 hợp tác xã nông nghiệp (04.03.2023)