Huyện Cần Giờ là một huyện ven biển nằm ở ngoại thành phía Đông Nam của thành phố Hồ Chí Minh. Huyện Cần Giờ bao gồm thị trấn Cần Thạnh và 6 xã: Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Long Hòa và Thạnh An. Đây là huyện duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh được bao quanh bởi hệ thống sông ngòi dày đặt, rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là hoạt động nuôi trồng thủy sản. Trong những năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản của thành phố Hồ Chí Minh nói chung và của huyện Cần Giờ nói riêng không ngừng phát triển nhanh chóng với các đối tượng nuôi tôm sú, tôm thẻ, cua, cá Bóp, cá Dứa…cho hiệu quả tương đối cao. Những năm gần đây, nghề nuôi thủy sản của huyện đang trên đà phát triển, năm sau cao hơn năm trước không những về diện tích mặt nước, sản lượng và năng suất nuôi mà còn những thử thách về ô nhiễm môi trường, thời tiết, dịch bệnh, giá cả thấp…ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của người dân. Từ những khó khăn đó, chính quyền địa phương đã vận động, tổ chức cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản gần nhau liên kết thành lập nên tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hay tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân nắm vững.
Ông Phan Văn Chính – người đã đại diện thành lập tổ hợp tác Cầu Bà Chín theo chủ trương của chính quyền địa phương về hoạt động nuôi trồng thủy sản với đối tượng tôm, cua là chủ lực. Tổ hợp tác được thành lập với 09 thành viên cùng nhau sản xuất trên diện tích 12,1 ha vào năm 2012. Hộ ông Phan Văn Chính là nơi đầu mối trong tất cả các việc như mua giống, thức ăn, trao đổi quy trình sản xuất đến tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong những năm đầu mới hoạt động, do chuyển đổi từ mô hình sản xuất quảng canh sang mô hình bán thâm canh, thâm canh nuôi theo hướng VietGAP nên bà con nông dân trong tổ hợp tác chưa có nhiều kinh nghiệm, hiệu quả sản xuất chưa cao. Thấy được vấn đề đó, các cấp chính quyền đã cùng nhau hỗ trợ, hướng dẫn tổ hợp tác theo hướng ứng dụng tiến bộ vào sản xuất. Trạm Khuyến nông Cần Giờ cũng phối hợp với các ban ngành địa phương tham gia vào việc hỗ trợ các tổ hợp tác phát triển sản xuất theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Trung tâm khuyến nông thành phố như tổ chức các lớp tập huấn, các cuộc tham quan mô hình sản xuất hiệu quả, thực hiện trình diễn các mô hình sản xuất cho thành viên tổ hợp tác…Sau một thời gian tìm hiểu áp dụng mô hình sản xuất mới, đồng thời được sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp chính quyền, mà từ đó hoạt động sản xuất của Tổ hợp tác ổn định hơn, kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn, cho năng suất và giá trị cao hơn so với phương thức nuôi thông thường. Bình quân mỗi năm Tổ hợp tác Cầu Bà Chín thu lợi nhuận trên 02 tỷ đồng, góp phần cải thiện đời sống của tổ viên, là Tổ hợp tác nhiều năm liền được nhận bằng khen của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ.
Tổ hợp tác Cầu Bà Chín qua nhiều năm tổ chức hoạt động đang dần lớn mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại địa phương, luôn là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật nuôi mới vào sản xuất. Tuy nhiên, với việc giá tôm thương phẩm giảm những năm gần đây cùng với dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp. Mặc khác, chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới và định hướng phát triển nông nghiệp huyện Cần Giờ theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị thì vấn đề về tạo dựng chuỗi liên kết trong cung ứng vật tư nông nghiệp, hàng hóa, dịch vụ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, để cung cấp sản phẩm sạch, xanh, chất lượng phục vụ người tiêu dùng là mục tiêu hàng đầu. Nắm được yêu cầu đó, Hợp tác xã Nông nghiệp – Thương mại, dịch vụ, du lịch – Đầu tư và Xây dựng Cần Giờ Tương Lai (Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai) được thành lập với tiền thân là Tổ Hợp tác Cầu Bà Chín được đưa vào hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sơ chế, chế biến, đóng gói và kinh doanh: Tổ yến, thủy sản, gia cầm, thủy cầm; kinh doanh trái cây; kinh doanh dịch vụ ăn uống và bất động sản từ đầu năm 2019 do ông Huỳnh Văn Thanh làm Giám đốc.
“Do mới thành lập, Hợp tác xã bước đầu gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính, khu đất để xây dựng nhà xưởng, lao động có chuyên môn và về đầu ra của sản phẩm còn mới chưa được người tiêu dùng chú ý” – theo ông Thanh, Giám đốc HTX chia sẽ. Mặc khác, Hợp tác xã hình thành chưa được lâu đã chịu tác động lớn từ đại dịch Covid 19 ho đến nay. Tuy nhiên, với sự nổ lực phấn đấu của tất cả các thành viên trong Ban giám đốc, Hội đồng quản trị và nhân viên cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời từ chính quyền địa phương (UBND huyện, Phòng Kinh tế, Hội nông dân huyện, Trạm KN Cần Giờ…) đến ban ngành thành phố (Trung tâm tư vấn, Chi cục phát triển nông thôn, Hội nông dân thành phố…) đã giúp Hợp tác xã duy trì và phát triển đúng hướng. Đến nay, Hợp tác xã Cần Giờ Tương lai đã xây dựng được 01 cơ sở chế biến khô với công suất 2 tấn/ngày và khu sơ chế tổ Yến với công suất 3 kg/ngày phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Về thị trường tiêu thụ, hiện nay các sản phẩm của Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai đã được phân phối vào các hệ thống siêu thị lớn trãi dài từ Bắc tới Nam như: Siêu thị Saigonco.op, siêu thị BigC/GO, siêu thị Satra, Siêu thị Aeon, siêu thị Lotte Mart, siêu thị Usmart, siêu thị 3Sachfood…và nhiều đại lý khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Điểm đặc biệt trong quá trình hoạt động của Hợp tác xã là đơn vị đã xây dựng chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các hộ dân sản xuất trên điạ bàn huyện và các hệ thống siêu thị, đại lý trên cả nước như cá Dứa, cá Chim trắng vây vàng, Hầu, tôm thẻ và tôm Sú…”Hợp tác xã cam kết về chất lượng sản phẩm từ quá trình nuôi không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, bảo vệ môi trường đến công đoạn chế biến đảm bảo an toàn về vệ sinh thực phẩm và cả công đoạn bảo quản, vận chuyển nhằm mang đến người tiêu dùng những sản phẩm đầy dinh dưỡng, chất lượng và an toàn cao nhất”- ông Thanh chia sẻ. Tuy Hợp tác xã đã thực hiện được việc liên kết, liên doanh trong quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chổ đứng trên thị trường, nhưng “việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được sâu, chưa được hiệu quả cao do Hợp tác chưa phát triển cung ứng được đầu vào trong chuỗi giá trị như con giống, thức ăn, thuốc hóa chất; một phần do người sản xuất chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của liên kết chuỗi giá trị; nội lực của Hợp tác xã còn yếu nên chưa thể thu mua được nhiều loại sản phẩm cho người dân trên toàn huyện”, ông Thanh tâm sự.
Trong thời gian tới, Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai sẽ tiếp tục phát triển mô hình kinh tế tập thể này, cố gắng tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, không ngừng hoàn thiện, cải tiến quy trình sản xuất để phát triển các sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu, có chất lượng góp phần cải thiện đời sống vật chất, giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và môi trường, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện nhà. Đây là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên về nông nghiệp tại huyện Cần Giờ bước đầu mang lại giá trị và hiệu quả cao. Rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương, ban ngành thành phố và người dân để hỗ trợ, tuyên truyền, khuyến khích cũng như nâng cao nhận thức, vai trò và hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể khác cùng phát triển.
Mọi chi tiết xin liên hệ:
Hợp tác xã Cần giờ Tương Lai
Địa chỉ: 310, đường Rừng sác, ấp Bình Thuận, xã Bình khánh, huyện Cần Giờ, Tp.HCM
Điện thoại: 0983.0984.34 - 028.36203646.
- Trồng trên đất pha cát, Xoài cát Cần Giờ mang hương vị đậm đà khó cưỡng (18.02.2023)
- Độ dai vừa phải, vị ngọt thanh và đầy dinh dưỡng - tôm khô Cần Giờ (18.02.2023)
- Tôm Sú thiên nhiên, Tôm thẻ tươi - thực phẩm cao cấp từ vùng nước Cần Giờ (11.02.2023)
- Hàu đá Cần Giờ - món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe (28.01.2023)
- Phát triển hợp tác xã nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh (03.12.2022)
- Cá Dứa tươi - Món ngon đặc sản Cần Giờ (22.10.2022)
- Tôm sú, tôm thẻ chân trắng một nắng - Đặc sản Cần Giờ (27.11.2021)
- Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất Xoài cát Cần Giờ (20.11.2021)